Những giờ khắc thiêng liêng ngoài khơi

- Thứ Tư, 07/02/2024, 14:05 - Chia sẻ

Những đêm giao thừa đặc biệt ngoài khơi, ngư dân miền Trung thường không vội tung mẻ lưới đầu tiên mà khấn trời, khấn biển, cầu cho một năm trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang. Mâm cúng giao thừa tuy đơn giản nhưng chất chứa bao hy vọng về một năm mới trời yên, biển lặng, nhiều cá tôm; đồng thời, tri ân những bậc tiền nhân đã không tiếc máu xương gìn giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Với sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng hành của lực lượng chức năng, ngư dân miền Trung sẽ yên tâm vươn khơi, đón Xuân an toàn, nhiều ý nghĩa trên biển.

Những đêm giao thừa đặc biệt 

Những ngày cuối năm 2023, trên cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, nơi “tập kết” hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung về neo đậu, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm rộn ràng tiếng nói, tiếng cười. Họ đang tất bật chuẩn bị cho chuyến hải trình dài nhất trong năm và đón Xuân về ngay trên biển quê hương.

Đã 6 lần ăn Tết trên biển, ngư dân Huỳnh Văn Thiện (tàu ĐNa - 90216 TS) chia sẻ, năm mới sắp cận kề nhưng tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân chúng tôi chủ động đóng hàng, chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến vươn khơi dài ngày sắp tới. "Anh em đều xác định sẽ đón năm mới ngay trên biển nên hàng hóa mang theo còn có cả gạo nếp, thịt, lá dong, bánh kẹo và ít thùng bia".

Anh Thiện cho biết thêm, năm mới trên biển không có pháo hoa, mai vàng nhưng chưa năm nào thiếu bánh chưng, xôi gấc và nén hương thơm “cúng biển”. Vợ của anh Thiện cũng sửa soạn đồ Tết cho chồng vươn khơi. Ngoài những bộ đồ bảo hộ, lao động tối màu, chị còn chuẩn bị cho anh bộ quần áo mới đặt may để mặc trong đêm giao thừa. Với những ngư dân như anh Thiện, Tết cổ truyền rất thiêng liêng nên dù ở bờ hay ngoài khơi xa, họ cũng cố gắng đón giao thừa thật tươm tất.

Những con tàu vươn khơi bám biển trong những ngày đầu năm mới 2024
Những con tàu vươn khơi bám biển trong những ngày đầu năm mới 2024. Nguồn: ITN

Cùng chung chuyến tàu với anh Thiện, ngư dân Nguyễn Văn Sáng (quê Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: nhớ vợ, nhớ con, nhớ gia đình ở đất liền lắm. Không ai muốn xa gia đình vào thời khắc linh thiêng khi tết đến xuân về, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải cố gắng. Ở ngoài này, các tàu cũng liên lạc qua bộ đàm để có thể chạy đến cùng nhau đón giao thừa, trong không khí ấm áp những ngày đầu Xuân.

Kể về những đêm giao thừa đặc biệt trên biển, anh Sáng cho biết: biển đêm giao thừa thường yên ả đến lạ. Ánh sáng hắt lên từ những giàn đèn câu mực làm sáng bừng một khoảng trời. Tiếng cười nói, chúc tụng lẫn nhau râm ran trên các con tàu. Có những thời điểm, gặp tàu hàng đi ngang, họ cũng kéo hồi còi lớn để thay lời chúc mừng năm mới. Không gian ấy, trời và biển hòa quyện với sắc màu lung linh. Đẹp vô cùng!

Cách đó không xa, tàu QNg-32975 TS của ngư dân Nguyễn Văn Lèn (trú tại Đức Phổ, Quảng Ngãi) cũng tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, dầu, đá để xuất hành. Từng nhiều năm ngang dọc khắp một dải biển từ Hoàng Sa xuống tận Trường Sa, ông Lèn xem biển như nhà của mình. Cuộc sống buồn - vui bao nhiêu năm đều gắn liền với biển cả mênh mông. Được xem là “già làng” của tàu QNg-32975 TS nên ông Lèn được giao luôn trọng trách đứng cúng lễ đầu năm.

“Đêm giao thừa năm nào cũng vậy, anh em thường không vội tung mẻ lưới đầu tiên mà đứng khấn trời, khấn biển, cầu cho một năm trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang. Thời khắc ấy, ai cũng nghẹn ngào, xúc động. Mâm cúng giao thừa của ngư dân tuy đơn giản nhưng chất chứa bao niềm hy vọng về một năm mới trời yên, biển lặng, có nhiều cá tôm”. Ông Lèn cho biết thêm, trong nén tâm nhang gửi biển trời Hoàng Sa - Trường Sa, năm nào cũng vậy, tàu của ông đốt vàng mã, rải chén rượu đầu tiên xuống biển để tri ân những bậc tiền nhân đã không tiếc máu xương gìn giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng hành với ngư dân vươn khơi, bám biển

Cùng với các đội tàu vươn khơi bám biển “xuyên Tết” của ngư dân miền Trung, năm nào cũng vậy, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải của Danang MRCC đóng tại Đà Nẵng (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải) luôn sẵn sàng trực chiến trong thời điểm giao thừa. Hơn 27 năm “đóng chân” trên địa bàn duyên hải miền Trung, không ít lần, các tàu SAR 412 hay tàu SAR 274 của Danang MRCC đã “xuất kích” ngay trong đêm 30 để ứng cứu ngư dân gặp nạn. Nhờ sự cơ động, nhanh gọn và chuyên nghiệp của cứu nạn hàng hải, hàng ngàn ngư dân đã được ứng cứu trước mũi hái tử thần.

Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Danang MRCC Bùi Tấn Nguyên cho biết: thời gian qua, lực lượng cứu nạn của Trung tâm luôn sát cánh, đồng hành với ngư dân bám biển. Phụ trách một địa bàn chủ lực với hàng chục ngàn tàu cá thường xuyên hoạt động trên biển nên công tác cứu nạn của trung tâm luôn “trực chiến” 24/24h. Chỉ cần nhận được tín hiệu cầu cứu của ngư dân, dù nửa đêm hay mưa bão, hai tàu cứu nạn SAR 412 và SAR 274 luôn nhận nhiệm vụ.

“Đêm giao thừa năm ngoái, khi anh em đang sửa soạn mâm cúng thì nhận được tin báo nạn của một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở gần vùng biển Hoàng Sa. Ngay lập tức, tất cả anh em trực được huy động, gác lại hương đèn, lễ lạt để theo tàu ra biển cứu bà con. Đối với nhiệm vụ cứu nạn thì không thể chậm trễ, dù đó là đêm giao thừa hay sáng đầu năm, tất cả phải khẩn trương lên đường”, ông Nguyên kể lại.

Lật giở cuốn hải trình cứu nạn của tàu SAR 412 là chi chít những dòng thông tin điện báo yêu cầu cứu nạn khẩn cấp: “Hồi 20 giờ 10 phút ngày 27.4.2023, tàu QNg 94358 TS do ông Võ Chí Danh làm thuyền trưởng, khi đang hành nghề tại vùng biển có tọa độ 19020N - 111054 E, (phía Bắc quần đảo Hoàng Sa và phía Đông đảo Hải Nam, cách Đà Nẵng khoảng 284 hải lý) thì thuyền viên tên Phùng Đình Thái (1989) bị cẩu tàu đánh vào đầu gây đa chấn thương vùng đầu, gãy xương đòn trái, mất nhiều máu, hôn mê, yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp. Trung tâm điều động tàu SAR 412 cùng ê-kip y tế 115 Đà Nẵng rời bến đi cứu nạn và kịp thời cứu sống nạn nhân và đưa về bờ an toàn” (trích nhật ký tàu).

“Hồi 16 giờ 6 phút ngày 13.10.2023, tàu TH 90929 TS khi đang hành trình tránh trú thời tiết xấu, sóng cao trên 3m thì bị phá nước, sắp chìm. Trung tâm điều động tàu SAR 412 rời bến đi cứu nạn, kết quả 14 thuyền viên cùng tàu TH 90929 TS được đưa vào bờ an toàn” (trích nhật ký tàu).

Bên cạnh đồng hành của lực lượng chức năng, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các địa phương với các chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian qua cũng giúp ngư dân nói chung, ngư dân miền Trung nói riêng yên tâm vươn khơi, bám biển. Thuyền trưởng Lê Dũng (53 tuổi, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - người sở hữu đội “chiến mã” công suất lớn, chuyên đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa cho biết: từ năm 20 tuổi đã cùng cha rong ruổi trên các vùng biển nhưng tàu nhỏ nên không dám vươn xa. Nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để cải hoán, nâng cấp tàu cá, từ chiếc tàu 90CV của cha truyền lại, tàu của anh đã được nâng lên công suất 420-500CV. Hiện anh là chủ của hai con tàu công suất lớn gồm: tàu lưới rê hỗn hợp ĐNa - 90098TS (840CV) và tàu lưới vây ĐNa - 90521TS (880CV) trị giá hàng tỷ đồng. "Khi tàu của chúng tôi được trang bị công suất máy lớn hơn nên có thể ngược lên Cát Bà, Bạch Long Vĩ hay xuôi về Trường Sa, Côn Đảo” - anh cho biết.

Mới đây, để giúp ngư dân có thêm điều kiện vươn khơi bám biển khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm và Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ các tàu sử dụng mô hình máy tầm ngư dò đứng, nhờ đó sản lượng khai thác trong các chuyến biển cao hơn, tăng thêm thu nhập cho ngư dân. Tất bật chuẩn bị cho chuyến biển mới, anh Lê Dũng hào hứng khoe: vừa rồi, tôi được vinh dự là 1 trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023". Nhờ chính sách hỗ trợ vốn vay cho ngư dân để cải hoán, đóng mới tàu, thuyền với chất lượng hiện đại, bảo đảm điều kiện vươn xa đánh bắt hải sản mà nhiều ngư dân ở Đà Nẵng như anh Dũng đã trang bị nhiều “chiến mã” công suất trên 500CV để vươn ra các vùng biển từ Hoàng Sa xuống tận Trường Sa.

Một mùa Xuân mới đang về trên khắp nẻo quê hương. Tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của lực lượng chức năng, ngư dân miền Trung sẽ yên tâm vươn khơi, đón thêm một mùa Xuân an toàn, nhiều ý nghĩa trên biển.

Tấn Tài
#